Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng

Người đăng: Admin Bình Quý Ngày đăng: 13:50 | 03/10 Lượt xem: 793

Hãy nhớ “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta”!

 Chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng

Kính thưa: Qúy vị  và các bạn !                                                                                                     

Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố vô sinh và hữu sinh có tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người. Môi trường cung cấp cho chúng ta không gian để sống, cung cấp nguồn tài nguyên để sản xuất và là nơi chứa đựng chất thải. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, nhân loại đang phải đối mặt với sự suy thoái môi trường nặng nề. Các bạn có để ý thấy rằng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão, lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… không?

Con người chúng ta phải nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó, hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của các cơ quan nhà nước, mà chỉ cần những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hằng ngày, chúng ta cũng đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Việc quan trọng đầu tiên trong công tác bảo vệ môi trường là nâng cao nhận thức của con người, để mọi người cùng hiểu, biết, và hành động vì môi trường của chúng ta. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường.

Sau đây là những hành động mà chúng ta cần phải thực hiện để bảo vệ môi trường sống:

Thứ nhất, đối với rác thải sinh hoạt:

+ Hãy sử dụng giỏ hoặc túi xách đi chợ nhiều lần để hạn chế  sử dụng túi nilon.

+ Phân loại rác tại nhà: Đối với những rác thải có thể tái chế như chai nhựa, các loại vỏ lon, các loại giấy báo carton... nên thu gom riêng để bán phế liệu, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên cho quốc gia và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Đối với các loại rác dễ phân hủy như rau củ trái cây, thức ăn thừa, bã cà phê, trà … nên tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc xử lý bằng hố rác gia đình để làm phân bón cho cây trồng; Đối với loại rác khó phân hủy như túi ni lông, thủy tinh, gốm sứ,… hãy thu gom và tập kết đến điểm tập trung rác của địa phương để với Công ty Môi trường thu gom và xử lý.

Hiện nay, nhiều hộ dân còn có thói quen đốt rác ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại rác như chai nhựa, cao su, túi nilon,… làm phát sinh các chất khí độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hậu quả có thể gây khó thở, viêm đường hô hấp, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. Do đó, các hộ dân cần hạn chế việc đốt rác tại nhà, trong trường hợp bất khả kháng thì cần phân loại và tách riêng các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon,…

+ Bên cạnh các việc làm trên, các hộ gia đình cần nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định để các cơ quan, đơn vị đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải.

Thứ hai, đối với rác thải nguy hại đồng ruộng: các loại bao bì, chai lọ đựng hoá chất BVTV thải bỏ trong sản xuất nông nghiệp là chất thải nguy hại, do đó cần được thu gom và xử lý riêng. Hiện nay trên các đồng ruộng đã có các hố bi chứa rác thải nguy hại đồng ruộng, người nông dân phải đem các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV bỏ vào các bể này để các cơ quan chức năng thu gom, xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thứ ba là bảo vệ môi trường ở những nơi công cộng: không đổ rác bừa bãi ra đường làng, gò đồi; Không vứt rác, xác chết động vật xuống kênh mương, sông suối, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện cho các chất độc hại trong nước tích luỹ vào các loại thực phẩm như rau, tôm, cá … ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

 Thứ tư là đối với hoạt động chăn nuôi: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chất thải ( như hầm bioga, đệm lót sinh học, bể thu gom), không thải nước thải, chất thải trực tiếp ra môi trường đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh. Các chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo khoảng cách vệ sinh an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người.

Thứ năm là, Phát hiện và tố cáo những trường hợp vứt rác bừa bãi ra môi trường, báo cáo kịp thời về UBND xã để có biện pháp xử lý, răn đe.

Theo quy định khoản 1 điều 46, Nghị định 23/2009/NĐ – CP ngày 27/2/2009, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình không đổ rác đúng nơi quy định;

Theo khoản 2 điều 8, Nghị định 140/2005/NĐ – CP ngày 11/11/2005, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi xả rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi gây cản trở dòng chảy.

Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên dương những gia đình thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường trên địa bàn xã.

Đó là những việc nhỏ và đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. Hi vọng rằng, mọi người, mọi nhà sẽ cùng nhau chung tay thực hiện để góp phần hình thành nếp sống văn minh hơn, môi trường xanh – sạch đẹp hơn.

Đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, chúng ta sẽ tận hưởng được những giây phút thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được tận hưởng những cảnh đẹp từ thiên nhiên. Ngược lại, nếu chỉ biết quyền lợi của cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường thì bản thân chúng ta, con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả thật khó lường do môi trường bị ô nhiễm.

Hãy nhớ “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta”!

Tác giả: Trung Hòa

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chuyên mục

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi thế nào ?


Liên Kết Web